Tuesday 22 April 2008

Sức mạnh truyền thông







Một trong những công cụ hữu ích để cải thiện hình ảnh và vị trí của doanh nhân là các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng hiệu quả công cụ truyền thông và phát huy tối đa sức mạnh vô hình này.



Hiện nay, cả nước có hơn 630 đơn vị báo chí với 12.000 phóng viên, bình luận viên.

Trên cơ sở tổng hợp, phân tích tin bài của 199 đầu báo (viết), cả trung ương và địa phương, Hiệp hội Công thương Hà Nội cho biết, đa số báo chí đều có đề cập đến hoạt động kinh tế, nhưng chỉ dưới hình thức quảng cáo hoặc tin tức, sự kiện.
Không nhiều tờ báo đề cập đến các vấn đề chuyên sâu có liên quan thiết thực đến doanh nghiệp.

Chỉ có 30/199 tờ có loại bài phân tích bình luận và phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm phát triển thị trường, quản lý doanh nghiệp, hướng dẫn thực hiện pháp luật hay trao đổi, góp ý về các chính sách kinh tế.

Trên báo hình, thời lượng phát sóng các chương trình có liên quan đến doanh nghiệp cũng khá khiêm tốn: Khoảng 420 phút ở kênh VTV1 cho 7 chương trình (kể cả phát lại), 240 phút cho 3 chương trình ở kênh VTV2 trong mỗi tuần... Các đài địa phương quan tâm nhất đến chủ đề kinh tế là HTV7 (của TP HCM) với 280 phút mỗi tuần và HTV (Hà Nội) với 210 phút mỗi tuần.

Số lượng đã vậy, chất lượng thông tin báo chí về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp cũng rất đáng quan tâm.

Một mặt khẳng định tính tích cực của báo chí như một kênh thông tin quan trọng, giúp doanh nghiệp hiểu biết thêm về thị trường, đối tác, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng và mở mang kiến thức pháp luật, đồng thời vạch trần những hành vi nhũng nhiễu cửa quyền, tham ô của một bộ phận công chức và các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp.

Song mặt khác, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng chỉ rõ những trường hợp nhà báo khen không đúng lúc, chê không đúng nơi, đưa tin thiếu chuẩn xác làm tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp.

Quan hệ hai chiều

Nhiều nhà báo đã không sợ liên lụy, dũng cảm đi sâu vào đời sống xã hội và doanh nghiệp để khám phá và phê phán các hành vi nhũng nhiễu, cửa quyền của một bộ phận công chức, đặt ra rào cản không đáng có làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Báo chí cũng thẳn thắng lên án đối với những hành vi ẩn lậu, gian lận pháp luật của một số thương nhân góp phần làm cho môi trường đầu tư kinh doanh thêm lành mạnh.

Báo chí cũng ca ngợi những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn giỏi, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện qua đó góp phần nâng cao vị thế doanh nghiệp trên thương trường và xã hội.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều làm cho cả hai bên chưa hài lòng vì vẫn có những nhà báo không trung thực, khách quan, khen chê không đúng lúc, đúng nơi, đưa tin thiếu chuẩn xác làm tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp.

Song cũng không ít trường hợp báo chí còn bị doanh nghiệp xem là công cụ để gây sức ép lên một đối tượng cụ thể, một vấn đề cụ thể chứ không xem báo chí là một vũ khí để chống lại cái bất công, góp phần điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội theo hướng tốt hơn, dân chủ hơn.

Nếu được nâng cao kỹ năng trong giao tiếp với giới truyền thông cũng như trong công tác tuyên truyền nội bộ, doanh nghiệp sẽ vừa bảo đảm được sự trung thực của thông tin, vừa bảo đảm được lợi ích chính đáng của mình và không còn e ngại khi tiếp xúc với báo giới.

Ngược lại, các nhà báo cũng cần tìm hiểu và tự trang bị cho mình những kiến thức sâu rộng và toàn diện về kinh tế để tự tin cầm bút, góp phần làm cho môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng và lành mạnh.

Cơ quan báo chí và doanh nghiệp nên vận dụng tốt "nguyên tắc vàng" trong mối quan hệ này, đó là tính chuyên nghiệp và sự chân tình.

Hạn chế mặt trái

Có thể khẳng định: Báo chí và truyền thông có một vai trò rất tích cực cho sự phát triển chung của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại thông tin và một thứ tài sản vô hình và vô giá.

Quá trình hội nhập đang đến gần và tất yếu càng đòi hỏi các doanh nhân phải quan tâm nhiều hơn nữa tới báo giới.

Mặc dầu vậy, có quan điểm cho rằng: "Chơi với báo chí như chơi dao hai lưỡi nên nhiều doanh nghiệp lo ngại, không muốn tiếp xúc với phóng viên". Không ít doanh nghiệp do báo chí mà sống dở, chết cũng dở vì rằng: Những chuyện không đâu, báo chí đưa ra để khơi mào cho các cơ quan công quyền thăm viếng.

Đã có nhiều giám đốc doanh nghiệp điêu đứng vì mặt trái, mặt tiêu cực của báo chí - truyền thông mà trở nên thân bại danh liệt.

Đó là sự thực, khi mà doanh nhân trong các doanh nghiệp nhà nước được tôn vinh và là một đối tượng để được chọn lọc trở thành chính khách thì không ít người cơ hội lợi dụng báo chí như một công cụ để dọn đường cho sự thăng tiến cá nhân hoặc để triệt phá lẫn nhau.

Trong những trường hợp này doanh nghiệp chỉ là một phương tiện để tiêu diệt cá nhân. Đây là một vấn đề mà hiện nay đang rất bức xúc có thể xem như một hố đen trong đời sống chính trị và đời sống tinh thần của các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Đối với các doanh nghiệp dân doanh thì có lẽ ít phức tạp hơn vì sự mưu toan đánh phá cá nhân ít hơn. Mặc dầu vậy báo chí truyền thông vẫn bị lợi dụng như một công cụ trong thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh.

Sự thực chính ta có thể coi đây là những hạt sạn của báo giới. Nếu báo chí không vững vàng thì chắc chắn sẽ là con dao hai lưỡi đối với doanh nghiệp và điều đó đã giải thích cho chúng ta thấy tại sao doanh nghiệp nói chung rất sợ các nhà báo.

Nhiều chủ doanh nghiệp xa lánh và phải cáo lỗi khéo léo khi các nhà báo đến tìm hiểu doanh nghiệp để viết bài cho dù với nhã ý tốt.

Chính các nhà báo cũng công nhận, đâu đó vẫn còn hiện tượng nhà báo "bẻ cong ngòi bút" hoặc suy diễn chủ quan. Từng có những tin bài về một ngành công nghiệp "yếu toàn thân", nhưng đã đạt mức tăng trưởng hai con số.

Trường hợp cụ thể hơn, một nhà máy sản xuất rượu vang bị coi là "bên bờ vực phá sản" không lâu sau đã đạt danh hiệu "Anh hùng thời kỳ đổi mới".

Nhiều trường hợp "doanh nghiệp chỉ muốn báo chí nêu ra bức xúc của mình đối với nhà quản lý, nhưng khi có cơ hội thì cũng doanh nghiệp đó không ngần ngại "đi đêm" với nhà quản lý để giải quyết vấn đề của mình, bỏ mặc báo chí với những "sự kiện".

Không hiếm trường hợp báo chí bị xem là công cụ để gây sức ép lên một đối tượng cụ thể, giải quyết một vấn đề cụ thể (vì lợi ích của doanh nghiệp), chứ không xem báo chí là vũ khí để chống lại bất công, điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội theo hướng tốt hơn, dân chủ hơn...




Theo PrVietnam

No comments: