Monday 28 April 2008

Kinh doanh nữ trang trên Internet

Internet ngày càng len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, thay đổi cách thức làm việc, trao đổi thông tin và cách thức mua bán, giao dịch. Internet nay không chỉ là nơi để đặt những mặt hàng có giá trị nhỏ, hoặc đăng ký mua sách báo, sử dụng dịch vụ như trước nữa, mà ngày càng có nhiều người tìm đến các ''chợ ảo'' để mua những đồ vật có giá trị hơn như... kim cương. Và xu hướng này đang mở ra một cơ hội kinh doanh hấp dẫn các công ty bán lẻ nữ trang...

Từ một nhu cầu cá nhân

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Đại học Harward và thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Stanford (Mỹ), Mark Vadon đã trở thành một nhà tư vấn dày dạn kinh nghiệm, được sự tín nhiệm của nhiều công ty hàng đầu thế giới trong nhiều năm qua. Thế nhưng, khi phải quyết định mua một chiếc nhẫn đính hôn bằng kim cương, Vadon đã hoàn toàn lúng túng vì chẳng tìm được ai tin cậy và tư vấn cho mình. Vì thế, vào cuối năm 1998 Vandon đã bắt đầu sự mày mò vào cuộc ''săn lùng'' kim cương.

Đầu tiên, Vadon tìm đến Công ty Tiffany & Co, một công ty kinh doanh nữ trang khá nổi tiếng của Mỹ. Lúc đó, công ty này đã đưa cho Vadon hai chiếc nhẫn kim cương gần giống hệt nhau, nhưng giá lại chênh lệch nhau rất nhiều. Một chiếc trị giá 12.000 USD và một chiếc giá 17.000 USD. Vadon kể lại, anh đã không thể phân biệt được hai chiếc nhẫn này nhưng anh hy vọng người nhận chiếc nhẫn này có thể nhận ra giá trị thực của nó vì số tiền anh bỏ ra cũng tương đương với số tiền mua một chiếc xe hơi. Và vì với số tiền nhiều như vậy, nên anh muốn hỏi thật nhiều câu hỏi nhưng ngại vì sợ người bán lợi dụng.

Anh quyết định đi tham khảo trên các cửa hàng khác. Sau khi đi một vòng qua sáu, bảy cửa hàng, Vadon thấy anh càng bị bối rối thêm. Vì vậy, anh quyết định tìm thêm thông tin về kim cương trên mạng Internet nhưng cũng không nghĩ rằng mình có thể mua được chiếc nhẫn kim cương từ đây. Tuy nhiên sau đó, Vadon đã tìm được trang chủ Diamond do một công ty bán lẻ nữ trang điều hành. Trang chủ này cung cấp rất nhiều thông tin về mua bán kim cương và có nhiểu kiểu dáng nhẫn khác nhau để khách hàng lựa chọn. Cuối cùng, Vadon cũng đã mua được một chiếc nhẫn qua trang chủ này.

Đến ý tưởng kinh doanh táo bạo

Tháng 5/1999, Vadon đã mua lại công ty Internet Diamond và đổi tên thành Blue Nile vài tháng sau đó. Không phải tự nhiên mà Vadon đi đến một quyết định kinh doanh táo bạo như vậy. Từ những bức xúc trong chuyện mua nữ trang của cá nhân mình, Vadon đã tìm hiểu thị trường này và dự đoán rằng trong tương lai, những người ở độ tuổi 25-40 với địa vị xã hội và thu nhập cao như anh sẽ có một nhu cầu rất lớn về mua sắm nữ trang và cần được tư vấn về lĩnh vực này. Và Công ty Blue Nile do Vadon lập ra cũng nhằm mục đích phục vụ đối tượng khách hàng này. Chỉ có điều, mọi chuyện mua bán chủ yếu được diễn ra trên cửa hàng ''ảo''.

Một thị trường tiềm năng

Năm 1999, khi trang chủ của Blue Nile mới khai trương, vẫn còn ít người có ý tưởng sẽ mua một chiếc nhẫn kim cương có giá trị hàng chục ngàn USD trên mạng. Tuy nhiên, trong vòng ba năm qua, ngày càng có nhiều người lên mạng để mua những mặt hàng có giá trị lớn vì họ cảm thấy thuận tiện hơn. Các công ty kinh doanh nữ trang như Blue Nile đã nắm bắt được xu thế này. Trong khi các công ty kinh doanh trên mạng khác làm ăn lỗ lã thì trong quý ba năm nay Blue Nile đã bắt đầu có lời.

Hiện công ty này đang bán rất chạy mặt hàng nhẫn đính hôn bằng kim cương và đến nay đã có 25.000 cặp tình nhân mua loại nhẫn này qua mạng. Giá cả là một thế mạnh của Blue Nile cũng như các công ty kinh doanh nữ trang trên mạng khác so với các cửa hàng ''thật''. Blue Nile cho biết, giá bán của công ty này thấp hơn giá bán của các công ty bán lẻ truyền thống như Tiffany &Co. từ 20 - 40% nhờ cắt giảm được nhiều chi phí. Ngoài giá cả thấp, các cửa hàng nữ trang ảo còn có nhiều thế mạnh khác so với các cửa hàng ''thật'' như có thể trưng bày nhiều mẫu mã hơn do không bị bó hẹp trong không gian của các phòng trưng bày. Chẳng hạn, trang chủ của Blue Nile có một bộ sưu tập bao gồm 11.000 loại kim cương có chất lượng cao và có một chương trình giúp khách hàng có thể tự thiết kế nhẫn đính hôn cho mình. Goldspeed.com, một trang chủ khác tự quảng cáo là công ty bán lẻ nữ trang giảm giá lớn nhất, cũng có khoảng 800 loại nhẫn khác nhau.

Các công ty kinh doanh nữ trang qua mạng đã đạt được những kết quả bước đầu khá khả quan. Goldspeed.com cho biết, doanh thu trong quý 3 năm nay của công ty này tăng gấp mười lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giám đốc điều hành của Gold speed.com, Neil Kugelman, dự báo trong năm nay công ty này sẽ đạt doanh thu năm triệu USD. Còn Blue Nile cũng dự kiến sẽ đạt doanh thu 70 triệu USD trong năm nay. Cadon hy vọng đến năm 2007, doanh số của Blue Nile sẽ đạt 250 triệu USD.

Theo công ty Nghiên cứu thị trường Jupiter, những con số trên mới chỉ là một phần nhỏ trong số 1,1 tỷ USD Mỹ mà khách hàng dự kiến sẽ chi ra cho việc mua nữ trang trên mạng trong năm nay. Thị trường nữ trang trên mạng còn tiếp tục sẽ tăng trưởng.

Theo TBKTSG

Thuật ngữ chuyên môn về quảng cáo trực tuyến

  • CPM (Cost per Million hay Cost per thousand Impressions): là loại quảng cáo trả theo số lần hiển thị, cụ thể là 1000 lần. Ví dụ: giá CPM = $1, tức là nếu quảng cáo đó được hiển thị hay được xem 1000 lần thì bạn sẽ được trả $1.
  • CPC (Cost per Click): là loại quảng cáo trả tiền theo số lần click vào quảng cáo đó. Số tiền bạn kiếm được phụ thuộc vào số lượng click. Ví dụ: giá cho mỗi click là $1. Nếu có 100 click vào quảng cáo thì bạn sẽ được $100. Càng có nhiều click thì bạn càng được nhiều tiền.
  • CPA (Cost per Action): là loại quảng cáo trả tiền khi người đọc click vào quảng cáo và thực hiện một hay một số hành vi mà nhà quảng cáo quy định. Hành vi đơn giản nhất có thể là: đăng ký thành viên, đăng ký nhận email giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ, có thể là dùng thử sản phẩm, v.v. và cao nhất là mua hàng hóa hay dịch vụ nào đó mà nhà quảng cáo chào bán.
  • CPL (Cost per Lead), CPS (Cost per Sales): cũng tương tự như CPA, nhưng đây là loại quảng cáo chuyên giới thiệu để bán sản phẩm, do vậy người đọc click vào quảng cáo và phải mua một sản phẩm hay dịch vụ nào đó mà nhà quảng cáo chào bán thì bạn mới nhận được tiền quảng cáo hoặc hoa hồng giới thiệu bán hàng. CPA, CPL và CPS là những hình thức quảng cáo yêu cầu cao hơn CPC và CPM, nhưng số tiền bạn thu được cũng cao hơn rất nhiều.

Một số điều cần lưu ý khi viết blog cho doanh nghiệp

Một ví dụ về trang blog kinh doanh

Chọn giao diện phải hợp lý

Trang blog không được rườm rà, lòe loẹt, độc giả sẽ đánh giá tính cách của người viết blog và công ty cũng giống như vậy. Do đó, giao diện phải sao cho dễ nhìn nhất.

Mục đích viết blog là gì?

Nêu rõ tên công ty của bạn và mục đích lựa chọn blog để tiếp cận đến công chúng. Nên làm rõ mục đích của những bài viết ngay từ đầu.

Độc giả là ai?

Độc giả đến với blog của các chuyên gia trong công ty chủ yếu là khách hàng cũ, khách vãng lai, khách hàng tiềm năng đến để nắm bắt quan điểm, kiến thức, cũng như học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia lĩnh vực cụ thể. Nếu bạn là một giám đốc điều hành mà viết về kinh nghiệm của giám đốc công nghệ thông tin thì sẽ đặt một dấu hỏi trong đầu người đọc.

Thể hiện cái tôi

Ngoài những thông tin khách quan, bạn có thể đưa vào các nhận xét, bình luận cá nhân để khẳng định vị trí của mình.

Thể hiện vai trò

Blog của công ty về bản chất chủ yếu quảng bá sản phẩm dịch vụ, là nơi tiếp thị sản phẩm nên hãy viết với lòng nhiệt tình và trách nhiệm trên cương vị của bạn.

Không tâng bốc

Hãy tránh những lời lẽ quá lố và sáo rỗng. Nên đi vào thực chất vấn đề độc giả thấy tin tưởng.

Tôn trọng độc giả

Hãy giả định độc giả thông minh hơn bạn và do đó, viết đúng sự thật, lịch thiệp, điềm đạm.

Lưu ý đến luật pháp

Không nên thể hiện các “ngón nghề” kinh doanh để mong độc giả thấy mình tài giỏi. Trong lúc cao hứng, bạn có thể để lộ “tiểu xảo” lách luật và gây ra những vụ kiện tụng. Tốt hơn hết, hãy tôn trọng luật pháp ở mọi khâu làm việc.

Không ba hoa

Hãy nói những gì cần phải nói. Lời ba hoa, dài dòng, sáo mòn sẽ làm người đọc mệt mỏi và thiếu tin tưởng.

Tiếp nhận ý kiến phản hồi

Blog là nơi người đọc để lại lời bình luận, có xấu, có tốt. Bản lĩnh của người viết sẽ thể hiện ở chỗ tỏ thái độ mềm mỏng và cứng rắn hợp lý với những lời thóa mạ. Nên bày tỏ sự cảm ơn với các ý kiến đồng tình.

Theo Việt Toàn

VnExpress

Kinh doanh trên blog

Một xu thế kinh doanh mới bây giờ là các bạn trẻ lập một blog riêng để quảng bá sản phẩm của mình chẳng hạn như Buzz shop. Khách hàng ưng ý sẽ được mời đến cửa hàng để xem đồ và mua trực tiếp.

Blog - những trang nhật ký cá nhân trên Internet - ngày càng trở nên phổ biến và ngày càng được xã hội hóa. Những sự kiện, kinh nghiệm về đời sống được cập nhật và được chia sẻ đến từng khoảnh khắc. Điều này cho phép người ta tính đến những phương cách kinh doanh hiệu quả mà ít tốn kém nhất.

Trong thời gian vừa qua các bạn trẻ đã tận dụng trang blog cá nhân của mình để thử trải nghiệm các ý tưởng kinh doanh. Không cần tốn chi phí để mua tên miền, thuê hosting, thiết kế website, họ vẫn có thể mở một... shop online ngay trong ngôi nhà ảo cá nhân thân thương của mình. Ở đây, họ có thể trưng bày những sản phẩm mà họ có ý định kinh doanh, người mua sẽ thông qua những kết nối để xem và bình phẩm rồi quyết định mua hàng.

Blog của công ty sách Nhã Nam.

Blog của công ty sách Nhã Nam.

Nếu những sản phẩm và ý tưởng độc đáo được đưa ra bởi một blogger thì chắc chắn, kinh doanh ngay trên trang blog của mình là việc làm tuyệt vời. Những cuốn lịch lạ mắt, những món đồ handmade nhỏ xinh... sẽ làm cho những gian hàng ảo này trở nên dễ cuốn hút hơn bao giờ hết.

Một ví dụ: Nguyễn Thị Mây, một du học sinh tại Thượng Hải đã mở shop hàng thời trang trên blog của mình. Ngay lập tức các mẫu mã cô đưa lên được các blogger hưởng ứng và đặt hàng và giới thiệu cho những bạn bè, người thân nên số lượng đặt hàng ngày càng ở mức cao. Những đơn đặt hàng được đặt kèm với số tiền có trong tài khoản, Mây sẽ đánh từng chuyến hàng chuyển về Việt Nam. Đến nay, cô đã thực hiện khá nhiều chuyến hàng thành công.

Để có thể kinh doanh qua blog, kinh nghiệm đưa ra là kinh doanh những món hàng nhỏ nhưng độc đáo, không quá nhiều tiền và phải tạo được uy tín ngay từ đầu.

Thực ra quảng bá sản phẩm trên blog đã có từ lâu trên thế giới, người ta tận dụng mạng xã hội trực tuyến - miễn phí để kinh doanh. Ở Việt Nam có thể nói đến sự thành công của Linh Perfume. Bởi vì thanh toán điện tử chưa an toàn và phổ biến, quảng bá trên mạng và thanh toán trực tiếp được coi là phương thức hữu hiệu. Có khá nhiều blog được lập ra để quảng bá sản phẩm dạng này...

Không nằm ngoài xu hướng đó, Các ca sĩ, đạo diễn, nhà thiết kế cũng đua nhau lập blog để quảng bá tên tuổi, và sản phẩm của mình hay chính các tờ báo cũng tạo ra một blog để quảng bá và tạo sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc với nội dung của mình, đó cũng là một bước đi mới nhưng không phải không hiệu quả trong kinh doanh.

Các doanh nghiệp cũng tham gia viết blog để nhận được ý kiến phản hồi của khách hàng, xu hướng tiêu dùng mà từ đó có thể đáp ứng

Đã có không ít tờ báo tăng lượng phát hành nhờ những trang blog như thế này. Blog đang ngày càng thể hiện rõ tính vượt trội ở sự gần gũi và thân thiện như thế...

Phùng Tiến Công, chuyên viên tư vấn của Quỹ Đầu tư mạo hiểm (IDG Ventures), người nghiên cứu khá sâu về blog ở Việt Nam, cho biết từ lâu tôi đã dành thời gian nghiên cứu Quảng cáo hướng tới đối tượng (targeted advertising) và cộng đồng mạng (social networks). Với khả năng nắm bắt thông tin cá nhân của từng người, blog sẽ giúp rất nhiều trong những lĩnh vực trên. Thế mạnh lớn nhất của blog, là sự đan xen hỗ trợ lẫn nhau giữa cuộc sống ảo và thật. Người ta được chia sẻ nhiều hơn, được quan tâm nhiều hơn, được hiểu nhau nhiều hơn...".

Chúng ta có thể chia thành 2 loại kinh doanh: dùng blog để kinh doanh và kinh doanh blog. Mảnh đất thứ nhất nhiều tiềm năng, đặc biệt dành cho những nhà kinh doanh trẻ. Khi người người dùng blog, nhà nhà dùng blog thì đó sẽ là một thị trường lớn.

Ngược lại, mảnh đất thứ hai (phát triển một hệ thống mạng xã hội) lại không thực sự phù hợp với các nhà kinh doanh trẻ. Hiệu ứng mạng xã hội (network effect) sẽ kéo mọi người về một mối, những doanh nghiệp nhỏ lẻ sẽ bị triệt tiêu. Bởi vì vốn đầu tư, kinh nghiệm xây dựng và quản lý cộng đồng, nhân lực kiểm soát nội dung, đội ngũ kinh doanh… cho mô hình này đều yêu cầu ở mức cao.

Tại một cuộc hội thảo về blog tại Hàn Quốc, Phùng Tiến Công cho biết, các nhiều nước đã nghiên cứu khá kỹ và họ đã có những bước đi trước, và chứng tỏ sự thành công từ blog. Blog sẽ ngày càng trở nên phổ biến và không bao giờ đi vào thoái trào như forum hay các website cá nhân, bởi nó có sự cập nhật và tương tác mạnh qua những liên kết mang mọ người đến gần nhau hơn. Blog sẽ còn phát triển trên điện thoại di động (moblog).

Hơn thế, blog video hay blog ảnh cũng sẽ là một trào lưu mới. Người dùng blog sẽ dễ dàng chia sẻ những niềm vui, chia sẻ những sở thích cá nhân: phim yêu thích, sách yêu thích, những bài nhạc hay.....Các loại blog với game nhập vai trực tuyến trên mô hình thế giới ảo như Second Life, The Sims càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Nhờ những điều nàymà blog trở nên hấp dẫn hơn nhiều lần các website hay forum. Và những bạn trẻ như chúng ta luôn có những cơ hội. Và ngay từ bây giờ hãy khởi sự kinh doanh cho mình. Blog nơi bạn có thể trải nghiệm những ý tưởng